Nguyên nhân Nhiễm giun kim

Vòng đời giun kim.

Nguyên nhân của nhiễm giun kim là loài giun Enterobius vermicularis. Vòng đời — từ trứng cho đến trưởng thành— diễn ra trong đường tiêu hóa của một vật chủ người.[12][16] Quá trình này kéo dài từ hai đến tám tuần.[9][17]

Lây truyền

Nhiễm giun kim truyền từ người sang người, do nuốt phải trứng giun.[17][18] Trứng rất cứng và có thể tồn tại ở môi trường ẩm đến ba tuần,[11][17] mặc dù trong môi trường khô nóng thì chỉ 1–2 ngày.[19] Chúng không chịu được nhiệt độ cao, nhưng có thể sống sót trong nhiệt độ thấp: ở −8 độ Celsius (18 °F), hai phần ba số trứng vẫn tồn tại sau 18 giờ.[11]

Sau khi trứng được đẻ ở gần hậu môn, chúng dễ dàng được truyền đến những bề mặt khác.[18] Bề mặt của trứng có tính kết dính,[11][12] nên chúng dễ dàng truyền từ khu vực gần hậu môn đến móng tay, bàn tay, đồ ngủ và khăn trải giường.[9] Từ đây, trứng tiếp tục truyền qua thức ăn, nước, nội thất, đồ chơi, các nút ấn trong phòng tắm và những vật khác.[12][17][18] Thú nuôi trong nhà thường mang theo trứng trên lông của chúng, nhưng không bị nhiễm bệnh.[20] Bụi chứa trứng có thể bay trong không khí và phát tán rộng khắp khi bị giũ bỏ khỏi các bề mặt, chẳng hạn như khi giũ khăn giường và quần áo vải.[11][17][20] Do đó, trứng có thể xâm nhập vào miệng và mũi khi thở, và sau đó nuốt xuống.[9][11][17][18] Mặc dù giun kim không thể nhân bản bên trong cơ thể vật chủ,[9] một số ấu trùng giun kim có thể nở trên niêm mạc hậu môn, và di chuyển lên trên ruột và trở lại vào ống tiêu hóa của vật chủ gốc.[9][17] Quá trình này gọi là lây nhiễm ngược (retroinfection).[11][17] Theo Burkhart (2005), khi sự lây nhiễm ngược này xảy ra, nó dẫn đến tải lượng ký sinh trùng tiếp tục tăng lên.[17] Nhận định này trái với một tuyên bố của Caldwell khi ông cho rằng lây nhiễm ngược hiếm gặp và không có ý nghĩa lâm sàng.[11] Mặc dù giun kim có thể sống được chỉ 13 tuần,[12] sự tự nhiễm (sự nhiễm từ vật chủ lây lại cho chính mình), qua đường hậu môn tới miệng hoặc từ sự lây nhiễm ngược, dẫn tới việc giun kim kí sinh trong một vật chủ một cách vô thời hạn.[17]

Vòng đời

Vòng đời bắt đầu khi trứng vào được đường tiêu hóa.[12] Trứng nở ở trong tá tràng (phần đầu của ruột non).[18] Ấu trùng giun kim mới nở sẽ phát triển nhanh chóng đến kích thước từ 140 đến 150 micromet,[9] và di chuyển qua ruột non để xuống đại tràng.[12] Suốt hành trình di chuyển này, chúng sẽ lột xác hai lần để trở thành giun trưởng thành.[12][17] Con cái tồn tại từ 5 đến 13 tuần, và con đực khoảng 7 tuần.[12] Giun kim đực và cái giao phối ở hồi tràng (phần cuối cùng của ruột non),[12] sau đó các giun đực thường sẽ chết,[18] và được thải ra ngoài qua phân.[11] Những giun kim cái đã được thụ tinh sẽ kí sinh ở hồi tràng, manh tràng (phần bắt đầu của ruột già), ruột thừađại tràng lên,[12] ở những nơi này chúng sẽ bám vào niêm mạc[17] và tiêu hóa những chất trong đại tràng.[10] Toàn bộ cơ thể của những con cái này hầu hết đều chứa đầy trứng.[18] Số trứng ước lượng trong một con giun kim cái đã thụ tinh nằm trong khoảng 11,000[12] đến 16,000.[17] Quá trình đẻ trứng bắt đầu vào khoảng năm tuần sau khi trứng được đưa vào hệ tiêu hóa của vật chủ.[12] Giun kim cái di chuyển qua đại tràng hướng xuống trực tràng với tốc độ 12 đến 14 centimet một giờ.[12] Chúng chui khỏi hậu môn, và trong khi di chuyển ở vùng da gần hậu môn, những con cái thải trứng ra ngoài thông qua những cách (1) co rút và tống trứng ra, (2) chết và sau đó phân rã, hoặc (3) cơ thể giun bị vỡ do vật chủ gãi.[18] Sau khi trứng được đưa ra ngoài, con cái trở nên đục màu và chết.[11] Lý do mà con cái phải chui ra khỏi hậu môn là để nhận lượng oxy cần thiết để làm chín trứng.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhiễm giun kim http://www.britannica.com/EBchecked/topic/461262/p... http://www.diseasesdatabase.com/ddb13041.htm //edwardbetts.com/find_link?q=Nhi%E1%BB%85m_giun_k... http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=127.... http://www.merriam-webster.com/dictionary/oxyurias... http://www.merriam-webster.com/medical/enterobiasi... http://www.dpd.cdc.gov/DPDx/html/Enterobiasis.htm //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1375686 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2306321 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3249897